HÁT ĐỂ CA TỤNG AI?

Dân gian có câu chuyện vui thế này: “Một tên trộm bị bắt quả tang ăn trộm trâu. Người ta giải anh ta lên huyện. Quan huyện hỏi: “Mày dám cả gan ban đêm vào nhà người ta, ăn trộm trâu phải không?” Anh ta thưa, vẻ tội nghiệp: “Oan cho con lắm. Con chỉ lấy sợi dây thừng mà thôi”. Quan lại hỏi: “Thế, đầu sợi dây có trâu không?” Tên trộm thưa: “Bẩm quan, con trâu ấy chủ nhà buộc vào, chứ con không buộc”.

Đó là một trong nhiều chuyện cười về thói nguỵ biện của con người.Khi người ta làm điều gì không phù hợp với lương tâm, với Tin Mừng, người ta thường tìm mọi cớ để biện minh. 

Xin đan cử một ví dụ. Cách đây mấy năm, dịp trình diễn văn nghệ văn gừng gì ở ngoài xã hội, một anh nhạc công đã xin cha xứ huy động mấy ca đoàn vào nhà thờ tập hát, nhạc xập xình, đứng ngồi lung tung. Dĩ nhiên là họ không hát những bài ca ngợi Chúa, mà lại ca ngợi những điều khác, có khi ca ngợi những người chống đối Thiên Chúa. 

Và họ giải thích: tôi chỉ hát bài hát có sẵn, chứ tôi có sáng tác ra đâu!

Mới đây, một nhóm nọ cũng bỏ ra nhiều thì giờ tập hát tập múa để trình diễn cho một nơi nọ, cũng hát những bài hoàn toàn không phù hợp tinh thần Tin Mừng. Và lời giải thích cũng không khác anh nhạc công kia bao nhiêu.

Trong bài suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, cha Giuse Đỗ Đức Trí (giáo phận Xuân Lộc) viết một câu mà chúng ta phải suy nghĩ:

“Nhiều bạn trẻ ngày nay đã chọn bạn sai hoặc để mình giao du với bạn xấu, nhiều người đã lao đầu vào với những thứ bạn xấu là ma túy, cờ bạc, phim ảnh sách báo xấu, và kể cả những tư tưởng, học thuyết sai lầm, những thứ bạn ấy nó đang hủy hoại tuổi trẻ của các bạn, có những người còn kết bạn và đồng loã với sự gian dối của xã hội hôm nay, nó làm cho các bạn trở thành những con người nhỏ nhen ích kỷ và trở thành thù nghịch với Đức Giêsu”.

Lảm bạn với Đức Giêsu là niềm hạnh phúc lớn lao. Và làm bạn với Đức Giêsu cũng là kết bạn với những người thiện chí, đồng thời biết tránh xa những gì trái ngược với tinh thần Tin Mừng. Người ta không thể nói rằng tôi yêu mến Chúa, đồng thời lại lên tiếng ca tụng những thế lực chống đối Ngài.

Việc nguỵ biện nào cũng có nguyên do của nó. Khi người ta “lao đầu vào với những thứ bạn xấu là ma túy, cờ bạc, phim ảnh sách báo xấu, và kể cả những tư tưởng, học thuyết sai lầm” như cha Giuse Đỗ Đức Trí nói, thì họ thường đưa ra các lý lẽ để nguỵ biện, mà phần lớn có thể là những “lý sự” như sau:

1. “Tôi có chống đối Chúa đâu. Tôi chỉ hát ngoài miệng, múa bằng tay chứ có suy nghĩ thế đâu”. Đây là một trong những mưu chước ma quỷ hay dùng để cám dỗ con người. 

Khởi đầu của tội lỗi có thể là thiện chí, hay quanh co chút xíu thôi, rồi từ từ người ta sẽ tin những điều họ nói ra dù nó không thật. Nhưng con cái Chúa thì phải quang minh chính đại, không thể biện hộ như thế được. Chúng ta nhớ các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã thà chịu chết, không thể làm vừa lòng vua quan dù chỉ bằng lời nói bên ngoài!

2. “Tôi có làm gì hại ai đâu, chỉ là hát múa thôi mà”. Đây là nguỵ biện nguy hiểm ở chỗ: không phải không làm hại ai về thân xác là không có lỗi. Khi mình góp phần vào việc truyền bá điều ngược với Tin Mừng là mình có lỗi. 

Các loại hình nghệ thuật được Chúa ban cho con người là để ca tụng Chúa. Theo đại nhạc sĩ Johannes S. Bach, âm nhạc là nghệ thuật dùng lời ca để ca tụng Đấng Tạo Hoá. Và chúng ta cũng dùng nghệ thuật để làm cho cuộc sống có ý nghĩa, giúp con người hướng lòng lên với Chúa. Ngược với những điều ấy, con người làm sai lạc mục đích của nghệ thuật. (xin tham khảo thêm ở website http://www.nghethuatthanh.net của Ủy Ban Giám Mục về Nghệ Thuật Thánh, trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam).

3. “Tôi đem niềm vui cho người khác”. Lý lẽ này có vẻ vị tha và nhân ái. Tuy nhiên, không phải chúng ta có thể đem niềm vui cho người đời bất chấp lương tâm. Người môn đệ Chúa đem “niềm vui đến chốn u sầu” phải kèm với “đem chân lý vào chốn lỗi lầm” như lời Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô. 

Chúa cho chúng ta nhiều cơ hội và nhiều phương tiện để đem niềm vui cho người khác, chứ không chỉ là lên tiếng nói những điều trái với lương tri để người ta cười vui mấy phút.

Ngoài những điều ấy, nguỵ biện còn mang nhiều hình thức khác. Có một nguyên tắc chung để quy chiếu: Điều tôi làm có thật sự phát xuất từ tấm lòng khiêm tốn và nhân ái của tôi không, và nhất là có phù hợp với Tin Mừng không?

Thật ra khi con người làm điều mà lòng họ không yên (có cảm giác áy náy như một facebooker viết), thì cần phải xem lại mục đích và ý hướng của mình. Có hai lý do người ta thường giấu kín sau lớp vỏ nguỵ biện:

Thứ nhất là người ta muốn phô trương chính mình, phô trương giọng ca hay hình thể. Nhưng họ quên rằng giọng ca hay hình thể của mình là do Chúa ban, chỉ được dùng để phụng sự Chúa và chân lý của Ngài.

Thứ hai, họ muốn cho công việc làm ăn dễ dàng hơn. Điều này đầy tinh thần thế gian. Chúng ta hãy nhớ tấm gương của người mẹ anh hùng trong sách Macabê, khi bà mẹ này khuyên đứa con út: “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con”.

Nếu chúng ta trung thành với Thiên Chúa, Ngài sẽ quảng đại hơn chúng ta vô vàn lần, và Ngài sẽ quan phòng chăm sóc chúng ta còn hơn chăm sóc chim chóc hay hoa huệ ngoài đồng.

Xin Mẹ Maria, người Mẹ đã nhiều lần hiện đến để nhắc nhở con cái trung thành với Thiên Chúa, giúp chúng con chỉ sống cho Chúa và tìm cách làm đẹp lòng Ngài mà thôi. Ở Fatima, Mẹ đã báo trước những thế lực chống lại Thiên Chúa rồi sẽ phải buông xuôi, xin Mẹ cho chúng con không bám víu vào bất kỳ ai chống đối Chúa trên con đường đi tìm Chúa.

Bình luận về bài viết này